Hội thảo “Góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ” tại VP Quốc hội.

(Nguồn: quochoi.vn)

Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ gồm 92 điều, trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều khi sửa đổi Luật lên 232 điều, tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm:

  1. Các quy định liên quan đến xác định chủ thể nắm giữ quyền tài sản sẽ được quy định rõ ràng và cụ thể hơn, giúp cho quá trình chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển quyền sử dụng trong các hợp đồng chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan được thuận lợi hơn.
  2. Các quy định liên quan đến việc xác định quyền sở hữu, quyền khai thác đối với các nghiên cứu khoa học do nhà nước đầu tư vốn sẽ được quy định rõ ràng và chi tiết hơn, để từ đó khuyến khích phong trào biến các kết quả nghiên cứu thành các tài sản được bảo hộ quyền SHTT, tạo tiền đề để khai thác thương mại đối với các tài sản này trên thị trường được hiệu quả hơn.
  3. Dù là quyền được xác lập tự động mà không qua đăng ký hay phải đăng ký thì các quy định liên quan đến thủ tục, thời hạn, thành phần hồ sơ v.v. cũng cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng gọn nhẹ, nhanh chóng, thuận tiện, minh bạch để khuyến khích, gia tăng hoạt động đăng ký, xác lập quyền SHTT nhằm tạo cơ sở, bằng chứng vững chắc trong việc xác định chủ thể quyền và đối tượng được bảo hộ, làm tiền đề cho việc khai thác quyền cũng như thực thi quyền sau này.
  4. Các quy định liên quan đến bảo hộ và thực thi quyền SHTT cần được rà soát, cân đối để bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng giữa một bên là quyền lợi của chủ thể quyền và một bên là quyền sử dụng, quyền tiếp cận tri thức, công nghệ của xã hội.
  5. Các quy định nhằm đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ cho hệ thống SHTT cũng được rà soát để sửa đổi, bổ sung theo hướng quy định trách nhiệm rõ ràng hơn, phân loại phạm vi hoạt động cụ thể và chi tiết hơn, đồng thời cắt giảm các điều kiện kinh doanh không thích hợp để phù hợp với quá trình cải cách thủ tục hành chính chung của đất nước.
  6. Các quy định liên quan đến thực thi quyền sẽ được sửa đổi nhằm bảo đảm cơ chế bảo vệ quyền SHTT được hiệu quả, hợp lý và khả thi hơn. Và Các quy định hiện có trong Luật SHTT nhưng chưa hoàn toàn tương thích với các cam kết trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam mới là thành viên hay các quy định chưa xuất hiện nhưng phải thi hành theo cam kết quốc tế cũng sẽ được rà soát để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ đã được đưa ra thảo luận lấy ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Quốc hội cơ bản thống nhất với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ trên cơ sở kế thừa những ưu điểm, khắc phục điểm hạn chế và bổ sung các điều, khoản phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Nhiều đại biểu đề nghị vẫn giữ quy định của luật hiện hành về áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, cần bổ sung chế tài liên quan đến việc chậm xử lý cấp bằng bảo hộ, bảo vệ quyền sở hữu.

Góp ý về văn bằng bảo hộ, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về văn bằng bảo hộ còn chung chung, chưa thể hiện rõ thông tin về tình trạng kỹ thuật của đối tượng được bảo hộ (sáng chế, kiểu dáng công nghiệp). Điều này dẫn đến trong thực tiễn công chúng không tiếp cận được thông tin về lịch sử xác lập quyền của đối tượng được bảo hộ và cơ sở (đối chứng) để bảo hộ sáng chế, kiểu dáng công nghiệp.

Bên cạnh đó, một số ý kiến cho rằng, cần quy định rõ ràng đối với trường hợp sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí có nhiều tổ chức, cá nhân là đồng tác giả; quy định theo hướng xác định quyền đăng ký, quyền sở hữu căn cứ vào tỷ lệ góp vốn theo hợp đồng đầu tư nghiên cứu…
Về khiếu nại và giải quyết khiếu nại liên quan đến các thủ tục về sở hữu công nghiệp, một số ý kiến cho rằng cần quy định thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định pháp luật về khiếu nại.

Dự thảo Luật SHTT hiện đang được tiếp tục hoàn chỉnh để trình Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội vào tháng 5/2022.
Sở hữu trí tuệ được Quốc hội thông qua năm 2005 (Luật số 50/2005/QH11), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 (Luật số 36/2009/QH12) và năm 2019 (Luật số 42/2019/QH14). Tuy nhiên, thực tiễn hơn 10 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về SHTT trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết.

(Nguồn: www.most.gov.vn và hcmcpv.org.vn)