Quy trình đăng ký bảo hộ sáng chế và các thủ tục liên quan

Cần phải tiến hành tra cứu kỹ lưỡng về sáng chế trước khi nộp đơn vì việc tra cứu sẽ cho bạn biết sáng chế của bạn có mới hay không, và theo đó, có khả năng được cấp bằng độc quyền sáng chế hay không. Bạn có thể tự mình tiến hành tra cứu hoặc sử dụng dịch vụ của các tổ chức dịch vụ chuyên nghiệp. Khách hàng có thể thực hiện tra cứu miễn phí qua một trong hai cổng dữ liệu điện tử sau đây:

Hoặc khách hàng có thể gửi các tài liệu về sáng chế cho chúng tôi để tra cứu chuyên sâu trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam, vừa đảm bảo tính chính xác, vừa tiết kiệm thời gian và công sức của khách hàng với chi phí hợp lý.

Việc tra cứu chuyên sâu trước khi nộp đơn là rất cần thiết để đánh giá sơ bộ sáng chế có khả năng đăng ký bảo hộ hay không. Tuy nhiên kết quả tra cứu này chỉ mang tính chất tham khảo và không phải là căn cứ để được cấp VBBH.

Bước đầu tiên của việc bảo hộ sáng chế là nộp đơn đăng ký sáng chế. Điều quan trọng là bạn không được bộc lộ sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký sáng chế. Việc bộ lộ sớm sẽ làm ảnh hưởng đến cơ hội nhận được bằng độc quyền sáng chế vì sáng chế của bạn sẽ không còn được coi là mới nữa.

Hồ sơ đơn đăng ký bảo hộ sáng chế bao gồm:

  • Tờ khai đăng ký sáng chế (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Giấy uỷ quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp)
  • Bản mô tả sáng chế/giải pháp hữu ích
  • Hình vẽ minh hoạ (nếu có)
  • Bản sao tài liệu xin hưởng quyền ưu tiên có xác nhận của cơ quan nơi đơn ưu tiên được nộp (chỉ yêu cầu đối với đơn xin hưởng quyền ưu tiên theo Công ước Paris). Tài liệu này có thể được bổ sung trong thời hạn 03 tháng tính từ ngày nộp đơn.

Thông thường bạn có thể nộp đơn đăng ký sáng chế mà không cần thuê đại diện sở hữu công nghiệp, mặc dù tốt hơn hết bạn nên thuê một chuyên gia có kinh nghiệm để đảm bảo rằng việc soạn thảo đơn sáng chế được thực hiện đúng. 

Khi đơn được nộp, phòng nhận đơn sẽ xem xét đơn sáng chế có thỏa mãn các yêu cầu về tài liệu và thông tin không.

Nếu các yêu cầu này được thỏa mãn, phòng nhận đơn sẽ tiếp nhận đơn và ghi nhận tạm thời ngày nộp đơn và số đơn.

Đơn được tiếp nhận sẽ được thẩm định hình thức trong vòng một tháng. Xét nghiệm viên của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ thẩm định xem đơn có đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức không.

Nếu đơn đáp ứng các tiêu chuẩn về hình thức và phí cho đơn đã được nộp đầy đủ, đơn sẽ được coi là hợp lệ và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn (hoặc đại diện của người nộp đơn) Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và ghi nhận chính thức số đơn và ngày nộp đơn.

Đơn sáng chế sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Tập A vào tháng thứ 19 tính từ ngày nộp đơn (hoặc ngày ưu tiên sớm nhất nếu đơn yêu cầu hưởng quyền ưu tiên). Tuy nhiên, nếu có yêu cầu công bố sớm của người nộp đơn, đơn sẽ được công bố sớm như ghi trong yêu cầu.

Nội dung đơn được công bố bao gồm số công bố và ngày công bố, số đơn và ngày nộp đơn, chỉ số phân loại sáng chế quốc tế, thông tin về người nộp đơn, tác giả sáng chế, người đại diện, các dữ liệu ưu tiên, tên sáng chế và tóm tắt sáng chế.

Để đơn được thẩm định nội dung, người nộp đơn hoặc bất kỳ một người thứ ba nào phải nộp một yêu cầu thẩm định nội dung bằng văn bản phải cho Cục Sở hữu trí tuệ. Yêu cầu thẩm định nội dung đơn sáng chế phải được nộp trong vòng 42 tháng, trong khi yêu cầu thẩm định nội dung đơn giải pháp hữu ích được nộp trong vòng 36 tháng tính từ ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm nhất nếu đơn xin hưởng quyền ưu tiên.

Người nộp đơn cũng có thể yêu cầu thẩm định nội dung đơn ngay khi nộp đơn. Trong trường hợp này, yêu cầu thẩm định nội dung phải được nêu rõ trong Tờ khai yêu cầu cấp bằng độc quyền sáng chế/giải pháp hữu ích.  Người yêu cầu thẩm định nội dung cũng phải nộp phí tra cứu và phí thẩm định nội dung.

Thời gian thẩm định nội dung đơn là 18 tháng tính từ ngày công bố (nếu yêu cầu thẩm định được nộp trước ngày công bố đơn) hoặc tính từ ngày Cục Sở hữu trí tuệ nhận được yêu cầu thẩm định (nếu yêu cầu này được nộp sau ngày công bố đơn).

Khi đơn đã đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo kết quả thẩm nghiệm nội dung và yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí cấp bằng, đăng bạ, công bố và lệ phí duy trì hiệu lực năm thứ nhất.

Sau khi nhận được phí nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp bằng, ghi nhận các thông tin liên quan đến văn bằng vào sổ đăng bạ quốc gia và công bố bằng sáng chế trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Tập B trong vào tháng thứ hai tính từ ngày cấp bằng.

Bằng sáng chế sẽ có hiệu lực kể từ ngày cấp và kéo dài hai mươi năm đối với bằng độc quyền sáng chế và 10 năm đối với bằng độc quyền giải pháp hữu ích, tính từ ngày nộp đơn.

Để duy trì hiệu lực của bằng sáng chế, hàng năm chủ văn bằng phải nộp một khoản phí theo quy định. Phí duy trì hiệu lực cho năm hiệu lực thứ nhất được nộp trên cơ sở yêu cầu của Cục Sở hữu trí tuệ trong Thông báo kết quả thẩm định nội dung đơn. Phí cho các năm tiếp theo sẽ phải được nộp trong vòng 6 tháng trước ngày kỷ niệm ngày cấp bằng. Lệ phí này cũng có thể được nộp muộn trong vòng 6 tháng sau ngày kỷ niệm ngày cấp bằng, tuy nhiên chủ văn bằng sẽ phải trả thêm một khoản phí nộp muộn

Sau khi đơn được công bố và trước khi sáng chế được cấp bằng, bất kỳ người thứ ba nào có thể tiến hành các thủ tục phản đối việc cấp hoặc từ chối cấp bằng bảo hộ của Cục Sở hữu công nghiệp.

Người phải đối phải nêu lý do phản đối trong đơn và cung cấp chứng cớ cho việc phản đối. Người nộp đơn phản đối phải nộp phí quy định.

Người nộp đơn có thể khiếu nại bất kỳ quyết định nào của Cục Sở hữu trí tuệ liên quan đến việc ghi nhận ngày nộp đơn, từ chối tiếp nhận đơn, không ghi nhận ngày ưu tiên, từ chối đơn hoặc từ chối cấp bằng.

Khiếu nại lần đầu sẽ được nộp cho Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ trong vòng 90 ngày kể từ ngày ký thông báo từ chối của Cục Sở hữu trí tuệ.

Nếu người nộp đơn không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ, thì có thể khiếu nại lần thứ hai với Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc khởi kiện tại tòa án. Thời hiệu khiếu nại lần thứ hai là 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc từ ngày ký quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Luật Sở hữu trí tuệ cho phép người nộp đơn có thêm cơ hội khởi kiện tại tòa khi không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ hoặc sau khi hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần thứ hai.

Bằng độc quyền sáng chế có thể bị chấm dứt hiệu lực theo một trong các trường hợp sau:

  • Chủ văn bằng không nộp lệ phí duy trì hiệu lực theo quy định;
  • Chủ văn bằng tuyên bố từ bỏ quyền của mình đối với văn bằng bằng văn bản trước Cục Sở hữu trí tuệ;
  • Chủ văn bằng không tồn tại và không có người thừa kế hợp pháp.

Việc chấm dứt hiệu lực của văn bằng được ghi nhận tại Cục Sở hữu trí tuệ và được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Tập B.

Trong suốt thời gian bảo hộ, toàn bộ bằng độc quyền sáng chế, hoặc mỗi điểm yêu cầu bảo hộ hoặc một phần của mỗi điểm yêu cầu bảo hộ có thể bị hủy bỏ bởi một bên thứ ba bất kỳ. Người yêu cầu hủy bỏ phải nộp đơn yêu cầu hủy bỏ và cung cấp các chứng cớ cho Cục Sở hữu trí tuệ để chứng minh rằng:

  • Quyền đối với sáng chế không thuộc về người nộp đơn sáng chế; hoặc
  • Sáng chế không đáp ứng các tiêu chuẩn bảo hộ tại thời điểm được cấp.

Bằng độc quyền sáng chế hoặc mỗi điểm yêu cầu bảo hộ hoặc một phần của mỗi điểm yêu cầu bảo hộ bị hủy bỏ sẽ được coi là chưa từng tồn tại kể từ ngày cấp bằng độc quyền sáng chế. Các thông tin về bằng độc quyền sáng chế bị hủy bỏ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Tập B.

Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp) và phải được đăng ký tại Cục SHTT.

 Hợp đồng chuyển nhượng sáng chế ít nhất phải bao gồm các nội dung sau:
  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
  • Căn cứ chuyển nhượng;
  • Giá chuyển nhượng;
  • Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) và phải được đăng ký tại Cục SHTT.

Hợp đồng sử dụng sáng chế gồm 3 dạng sau đây:
  • Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng sáng chế, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng sáng chế đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
  • Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng sáng chế, quyền ký kết hợp đồng sử dụng sáng chế không độc quyền với người khác;
  • Hợp đồng sử dụng sáng chế thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó theo một hợp đồng khác.
Hợp đồng sử dụng sáng chế ít nhất phải bao gồm các nội dung sau:
  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
  • Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
  • Dạng hợp đồng;
  • Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
  • Thời hạn hợp đồng;
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng;
  • Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao sáng chế gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN
  • Bản gốc VBBH
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền SHCN, nếu quyền SHCN tương ứng thuộc sở hữu chung
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp).

Thời hạn thẩm định: 02 tháng kể từ ngày nộp đơn

Kết quả thực hiện: Ra Quyết định ghi nhận chuyển giao quyền SHCN và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối ghi nhận chuyển giao quyền SHCN. Cập nhật nội dung chuyển nhượng vào bản gốc VBBH và trả văn bằng cho chủ sở hữu.

Quyền độc quyền đối với sáng chế của chủ bằng độc quyền sáng chế về cơ bản là quyền ngăn cấm người khác sử dụng trái phép vì mục đích thương mại sáng chế của mình bao gồm các hành vi sản xuất, sử dụng, chào bán, bán hoặc nhập khẩu sản phẩm hoặc quy trình thuộc phạm vi yêu cầu bảo hộ của sáng chế.

Tuy nhiên, chủ bằng độc quyền sáng chế cũng có trách nhiệm sử dụng hoặc kiểm tra việc sử dụng (thông qua lixăng) sáng chế trên thị trường (việc này có thể tránh được việc bị chuyển giao lixăng bắt buộc). Để tự bảo vệ quyền độc quyền đối với sáng chế của mình, chủ bằng độc quyền sáng chế cũng nên theo dõi việc sử dụng sáng chế bởi người khác, phát hiện các hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp thực thi đối với sáng chế.

Khi phát hiện sáng chế của mình đã hoặc đang bị vi phạm, chủ bằng độc quyền sáng chế có thể tiến hành các bước sau:

  • Gửi thư khuyến cáo trong đó đưa ra các thông tin về sáng chế và yêu cầu người xâm phạm chấm dứt các hành vi xâm phạm;
  • Đàm phán về việc chuyển giao quyền sử dụng sáng chế;
  • Tiến hành các biện pháp thực thi quyền đối với sáng chế của mình.

Chủ văn bằng có thể áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự và các biện pháp kiểm soát biên giới để bảo vệ quyền đối với sáng chế của mình.

Biện pháp hành chính

Để thực hiện biện pháp hành chính, chủ bằng độc quyền sáng chế phải nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm tại một trong các cơ quan có thẩm quyền sau:

  • Thanh tra Khoa học và Công nghệ;
  • Quản lý thị trường;
  • Hải quan;
  • Công an;
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Trên cơ sở xem xét các chứng cớ được cung cấp theo đơn, các cơ quan nêu trên có thể buộc các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm. Theo thẩm quyền của mình và tùy thuộc vào bản chất cũng như mức độ xâm phạm, các cơ quan nói trên sẽ áp dụng các hình thức xử phạt hành chính như:

  • Cảnh cáo;
  • Phạt tiền;
  • Áp dụng các hình thức xử phải bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động kinh doanh của người xâm phạm;
  • Áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả như buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc phân phối, sử dụng với mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ bằng độc quyền sáng chế, buộc tái xuất hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra chủ bằng độc quyền sáng chế có thể yêu cầu các cơ quan hành chính có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính như:

  • Tạm giữ người, hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm;
  • Khám người, phương tiện vận tải, nơi cất giấu hàng xâm phạm.

Biện pháp dân sự

Các tòa án có thẩm quyền xét xử các vụ kiện dân sự liên quan đến xâm phạm bằng độc quyền sáng chế bao gồm:

  •  Tòa án nhân dân cấp huyện (tòa dân sự);
  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh (tòa dân sự và tòa kinh tế);
  • Tòa án nhân dân tối cao (tòa dân sự và tòa kinh tế).

Các biện pháp dân sự có thể được áp dụng đối với người xâm phạm các quyền của chủ văn bằng độc quyền sáng chế bao gồm:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm khỏi hàng xâm phạm hoặc sử dụng không nhằm mục đích thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ bằng độc quyền sáng chế;
  • Buộc bồi thường thiệt hại gây ra do hành vi xâm phạm.

Khi cần thiết, đặc biệt khi việc xâm phạm có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho chủ bằng độc quyền sáng chế hoặc khi chứng cớ xâm phạm có nguy cơ bị tiêu hủy, tẩu tán, các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau có thể được tòa án áp dụng:

  •  Thu giữ;
  • Kê biên;
  • Niêm phong, cấm thay đổi hiện trạng, cấm di chuyển;
  • Cấm chuyển giao quyền sở hữu.

Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được tính trên cơ sở những tổn thất của nguyên đơn về tinh thần cũng như vật chất như thiệt hại về doanh thu hoặc lợi nhuận và các chi phí hợp lý để ngăn ngừa và khắc phục thiệt hại gây ra do hành vi xâm phạm.

Biện pháp hình sự

Các biện pháp hình sự theo luật hình sự được áp dụng cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm hoặc có hành vi tái phạm sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ.

Các tòa án có thẩm quyền bao gồm:

  • Tòa án nhân dân cấp huyện (tòa hình sự);
  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh (tòa hình sự);
  • Tòa án nhân dân tối cao (tòa hình sự).

Các chế tài áp dụng là:

  • Cảnh cáo;
  • Phạt tiền;
  • Cải tạo không giam giữ;
  • Phạt tù;
  • Cấm giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước hoặc tiến hành kinh doanh trong giai đoạn nhất định.

Các biện pháp kiểm soát biên giới

Chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế có quyền yêu cầu cơ quan hải quan thực hiện một trong các biện pháp biên giới sau để ngăn ngừa việc xuất và nhập khẩu hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới.

  • Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng bị nghi ngờ xâm phạm;
  • Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm.

Chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế tự mình hoặc thông qua người đại diện sở hữu trí tuệ nộp đơn yêu cầu tạm dừng hoặc kiểm tra, giám sát hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm cho Tổng cục Hải quan, các cục hải quan hoặc các chi cục hải quan. Trong đơn, người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ chứng cớ về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cung cấp đầy đủ thông tin để hải quan có thể nhận biết hoặc xác định hàng hóa bị nghi ngờ vi phạm hoặc có yếu tố vi phạm. Chủ sở hữu bằng độc quyền sáng chế cung cấp tài liệu chứng minh quyền đối với sáng chế (bản sao văn bằng bảo hộ) và đặt cọc một khoản tiền bằng 20% trị giá lô hàng yêu cầu tạm dừng.

Thời hạn tạm dừng là 10 ngày làm việc và có thể được kéo dài tối đa 20 ngày làm việc nếu chủ bằng độc quyền sáng chế có lý do chính đáng để kéo dài thời hạn này và nộp thêm tiền đặt cọc bằng 20% trị giá lô hàng tạm dừng.