Quy trình đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và các thủ tục liên quan

Tra cứu

Để đánh giá khả năng đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp (KDCN), Người nộp đơn nên tiến hành tra cứu trước khi nộp đơn đăng ký chính thức. Kết quả tra cứu sẽ cho thấy KDCN của Người nộp đơn có trùng hoặc tương tự với KDCN của người khác đã được đăng ký cho cùng loại sản phẩm hay các sản phẩm tương tự hay không.

Nộp đơn đăng ký

Sau khi có kết quả tra cứu cho thấy KDCN của Người nộp đơn không trùng hoặc tương tự với KDCN của người khác đã được đăng ký cho cùng loại sản phẩm hay các sản phẩm tương tự, Người nộp đơn nên tiến hành đăng ký bảo hộ cho KDCN nói trên trong thời gian nhanh nhất để có ngày ưu tiên sớm.

Hồ sơ đơn đăng ký bảo hộ KDCN bao gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục Sở hữu trí tuệ – SHTT)
  • Bản mô tả KDCN
  • Bộ ảnh chụp/bản vẽ KDCN
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu của chúng tôi cung cấp)
  • Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có)
  • Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký KDCN có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

Khi đơn được nộp, Cục SHTT sẽ xem xét đơn kiểu dáng có thỏa mãn các yêu cầu về tài liệu và thông tin không. Nếu các yêu cầu này được thỏa mãn, Cục SHTT sẽ tiếp nhận đơn và ghi nhận tạm thời ngày nộp đơn và số đơn.

Kể từ ngày được Cục SHTT tiếp nhận, đơn đăng ký KDCN được xem xét theo trình tự sau:

Thẩm định hình thức đơn
Đơn được tiếp nhận sẽ được thẩm định hình thức trong vòng một tháng. Xét nghiệm viên KDCN sẽ thẩm định xem đơn có đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức không. Nếu đơn đáp ứng các đòi hỏi về hình thức và phí đã được nộp đầy đủ, đơn sẽ được coi là hợp lệ và Cục SHTT sẽ gửi cho người nộp đơn (hoặc đại diện của người nộp đơn) Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và ghi nhận chính thức số đơn và ngày nộp đơn.

Công bố đơn 
Đơn đăng ký KDCN sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Tập A vào tháng thứ 2 tính từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ. Nội dung đơn được công bố bao gồm số công bố và ngày công bố, số đơn và ngày nộp đơn, thông tin về người nộp đơn, người đại diện, các dữ liệu ưu tiên, tên, phân loại, số phương án và các ảnh chụp/bản vẽ của KDCN.

Thẩm định nội dung 
Đơn KDCN sau khi công bố sẽ được tự động thẩm định nội dung đơn. Thời gian thẩm định nội dung đơn là 6 tháng tính từ ngày đơn được công bố.

Cấp, đăng bạ và công bố bằng độc quyền KDCN
Khi đơn đã đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung, Cục SHTT sẽ ra Thông báo kết quả thẩm định nội dung và yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí cấp bằng độc quyền KDCN, phí đăng bạ và công bố. Sau khi nhận được phí nêu trên, Cục SHTT sẽ cấp bằng, ghi nhận các thông tin liên quan đến văn bằng vào sổ đăng bạ quốc gia và công bố văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Tập B vào tháng thứ hai tính từ ngày cấp bằng. 

Đăng ký quốc tế
Thỏa ước La Hay về đăng ký quốc tế KDCN (gọi tắt là Thỏa ước La Hay) là một Điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý, tạo lập một cơ chế đăng ký quốc tế KDCN đơn giản và tiết kiệm nhằm giải quyết những khó khăn của việc nộp đơn cho cùng một KDCN tại nhiều quốc gia. Với Thỏa ước La Hay, chủ sở hữu KDCN không phải nộp các đơn tới từng quốc gia riêng biệt mà chỉ cần nộp một đơn duy nhất đến một cơ quan duy nhất (Văn phòng quốc tế của WIPO) trong đó chỉ định đến các quốc gia mong muốn được bảo hộ (với điều kiện các quốc gia này là thành viên của Thỏa ước La Hay). Trên cơ sở đánh giá sự ưu việt của các Văn kiện trong Hệ thống La Hay về đăng ký quốc tế KDCN, ngày 30/9/2019, Việt Nam đã quyết định gia nhập Thỏa ước La Hay theo Văn kiện Geneva 1999. Theo đó, Thỏa ước La Hay chính thức có hiệu lực tại Việt Nam kể từ ngày 30/12/2019. 

Thủ tục sửa đổi đơn
Trước khi Cục SHTT ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, Quyết định từ chối cấp VBBH hoặc Quyết định cấp VBBH, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục SHTT sửa đổi đơn.
Hồ sơ sửa đổi đơn gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Tài liệu pháp lý chứng minh việc sửa đổi [Riêng đối với yêu cầu sửa đổi nội dung đơn đăng ký KDCN, người nộp đơn phải nộp bản tài liệu tương ứng đã được sửa đổi kèm  theo bản chi tiết nội dung sửa đổi so với bản tài liệu ban đầu đã nộp, cụ thể: 04 Bộ ảnh chụp hoặc bộ bản vẽ, bản mô tả KDCN. Đồng thời, việc sửa đổi không được mở rộng phạm vi (khối lượng) bảo hộ đã được bộc lộ nêu trong đơn];
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp).

Thời hạn xử lý: 02 tháng 

Yêu cầu chuyển nhượng đơn đăng ký KDCN
Trước khi Cục SHTT ra Quyết định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, Quyết định từ chối cấp VBBH hoặc Quyết định cấp VBBH, người nộp đơn có thể  yêu cầu Cục SHTT ghi nhận việc thay đổi chủ đơn trên cơ sở chuyển nhượng, thừa kế, kế thừa hoặc quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Hồ sơ chuyển nhượng gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Tài liệu chuyển nhượng đơn đăng ký SHCN (trong đó ghi rõ tên, địa chỉ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng; số đơn được chuyển nhượng hoặc thông tin đủ để xác định đơn đó);
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp)

Thời hạn xử lý: 02 tháng.

Tách đơn đăng ký KDCN

Trước khi Cục SHTT ra quyết định từ chối chấp nhận đơn, quyết định cấp hoặc từ chối cấp VBBH, người nộp đơn có thể chủ động hoặc theo yêu cầu của Cục SHTT tách đơn. Đơn tách mang số đơn mới và được lấy ngày nộp đơn của đơn ban đầu hoặc các ngày ưu tiên của đơn ban đầu (nếu có).

Hồ sơ tách đơn gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Bản mô tả KDCN
  • Văn bản đề nghị tách đơn đăng ký KDCN
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp)

Thời hạn xử lý: đơn tách được thẩm định về hình thức và tiếp tục xử lý theo các thủ tục chưa được hoàn tất đối với đơn ban đầu.

Quy định về gia hạn hiệu lực bằng độc quyền KDCN (văn bằng bảo hộ – VBBH) 

Bằng độc quyền KDCN có hiệu lực kể từ ngày cấp kéo dài đến hết 05 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn 02 lần liên tiếp, mỗi lần 05 năm. Trường hợp KDCN có nhiều phương án thì VBBH có thể được gia hạn đối với tất cả hoặc một số phương án, trong đó phải có phương án cơ bản. Để được gia hạn hiệu lực VBBH, trong vòng 06 tháng tính đến ngày VBBH hết hiệu lực chủ VBBH phải nộp đơn yêu cầu gia hạn. Đơn yêu cầu gia hạn có thể được nộp muộn nhưng không quá 06 tháng kể từ ngày VBBH hết hiệu lực và chủ VBBH phải nộp thêm lệ phí gia hạn hiệu lực muộn.

Hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực VBBH gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Bản gốc VBBH (trường hợp yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào VBBH);
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp)
  • Tài liệu khác (nếu cần).

Thời hạn thẩm định: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn

Kết quả thực hiện: Ra Quyết định ghi nhận gia hạn hiệu lực VBBH và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối gia hạn hiệu lực VBBH. Cập nhật nội dung gia hạn vào bản gốc VBBH (nếu có) và trả văn bằng cho chủ sở hữu.  

Quy định về cấp phó bản/cấp lại VBBH

Cấp phó bản VBBH trong trường hợp quyền SHCN thuộc sở hữu chung, VBBH được cấp cho chủ sở hữu đầu tiên trong danh sách, các chủ sở hữu chung khác có thể yêu cầu cấp phó bản và phải nộp phí dịch vụ cấp phó bản. Cấp lại VBBH khi văn bằng bị mất, hỏng, rách, bẩn phai mờ đến mức không sử dụng được, bị tháo rời không giữ được dấu niêm phong.

Hồ sơ yêu cầu cấp phó bản/cấp lại VBBH gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ KDCN trong VBBH gốc;
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp)
  • Tài liệu khác (nếu cần).

Thời hạn thẩm định: 01 tháng kể từ ngày nộp đơn

Kết quả thực hiện: Ra Quyết định cấp phó bản/cấp lại VBBH và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối cấp phó bản/cấp lại VBBH. Trả văn bằng cấp phó bản/cấp lại cho chủ sở hữu. 

Quy định về sửa đổi VBBH

Sửa đổi VBBH khi có sự thay đổi thông tin về tên/địa chỉ của chủ VBBH; thay đổi thông tin về tên, quốc tịch của tác giả; thay đổi chủ VBBH (chuyển dịch quyền sở hữu do thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia tách, hợp nhất….).Yêu cầu ghi nhận thay đổi tổ chức đại diện SHCN. Yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ: yêu cầu loại bỏ một hoặc một số phương án hoặc một số sản phẩm trong bộ sản phẩm.

Hồ sơ yêu cầu sửa đổi VBBH gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Bản gốc VBBH.
  • Tài liệu xác nhận việc thay đổi tên, địa chỉ (bản gốc hoặc bản sao có xác nhận của công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền); quyết định đổi tên, địa chỉ; giấy phép đăng ký kinh doanh có ghi nhận việc thay đổi tên, địa chỉ; các tài liệu pháp lý khác chứng minh việc thay đổi tên, địa chỉ (có xác nhận của công chứng hoặc của cơ quan có thẩm quyền);
  • Tài liệu chứng minh việc thừa kế, kế thừa, sáp nhập, chia, tách, hợp nhất, liên doanh, liên kết, thành lập pháp nhân mới của cùng chủ sở hữu, chuyển đổi hình thức kinh doanh hoặc theo quyết định của Tòa án hoặc của các cơ quan có thẩm quyền khác);
  • Tài liệu thuyết minh chi tiết nội dung sửa đổi;
  • Bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ KDCN;
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp)
  • Tài liệu khác (nếu cần).

Thời hạn thẩm định: 02 tháng kể từ ngày nộp đơn

Nếu yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ, phải tiến hành thẩm định lại. Thời hạn thẩm định lại: đối với KDCN: không quá 04 tháng và 20 ngày

Trường hợp phức tạp thời hạn thẩm định phải kéo dài, tuy nhiên cũng không quá thời hạn thẩm định lần đầu.

Kết quả thực hiện: Ra Quyết định ghi nhận sửa đổi VBBH và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối sửa đổi VBBH. Cập nhật nội dung sửa đổi vào bản gốc VBBH và trả văn bằng cho chủ sở hữu.  

Chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu quyền sở hữu công nghiệp chuyển giao quyền sở hữu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp) và phải được đăng ký tại Cục SHTT.

 Hợp đồng chuyển nhượng KDCN ít nhất phải bao gồm các nội dung sau:
  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
  • Căn cứ chuyển nhượng;
  • Giá chuyển nhượng;
  • Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng.

Chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp) và phải được đăng ký tại Cục SHTT.

Hợp đồng sử dụng KDCN gồm 3 dạng sau đây:
  • Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng KDCN, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng KDCN với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng KDCN đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
  • Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng KDCN, quyền ký kết hợp đồng sử dụng KDCN không độc quyền với người khác;
  • Hợp đồng sử dụng KDCN thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng KDCN đó theo một hợp đồng khác.
Hợp đồng sử dụng KDCN ít nhất phải bao gồm các nội dung sau:
  • Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền;
  • Căn cứ chuyển giao quyền sử dụng;
  • Dạng hợp đồng;
  • Phạm vi chuyển giao, gồm giới hạn quyền sử dụng, giới hạn lãnh thổ;
  • Thời hạn hợp đồng;
  • Giá chuyển giao quyền sử dụng;
  • Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển quyền và bên được chuyển quyền.

Hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển giao KDCN gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Hợp đồng chuyển nhượng quyền SHCN
  • Bản gốc VBBH
  • Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu về việc chuyển nhượng quyền SHCN, nếu quyền SHCN tương ứng thuộc sở hữu chung
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp).

Thời hạn thẩm định: 02 tháng kể từ ngày nộp đơn

Kết quả thực hiện: Ra Quyết định ghi nhận chuyển giao quyền SHCN và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối ghi nhận chuyển giao quyền SHCN. Cập nhật nội dung chuyển nhượng vào bản gốc VBBH và trả văn bằng cho chủ sở hữu.

Thủ tục giải quyết khiếu nại

Quyền khiếu nại: Người nộp đơn và mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định hoặc thông báo liên quan đến việc xử lý đơn đăng ký SHCN do cơ quan quản lý nhà nước về SHCN ban hành có quyền khiếu nại với cơ quan quản lý nhà nước về SHCN hoặc khởi kiện ra toà án theo quy định của Luật SHTT và pháp luật có liên quan.

Thời hiệu khiếu nại:

Khiếu nại lần đầu được thực hiện trong vòng chín mươi ngày, kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định hoặc thông báo về việc xử lý đơn đăng ký SHCN; Khiếu nại lần thứ hai là ba mươi ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại đó không được giải quyết hoặc tính từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được hoặc biết được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Trình tự khiếu nại
Nếu hết thời hạn giải quyết khiếu nại của cấp trực tiếp ra quyết định hoặc thông báo liên quan đến SHCN (khiếu nại lần thứ nhất) mà khiếu nại không được giải quyết hoặc nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của cơ quan này thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khiếu nại với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khiếu nại lần thứ hai) hoặc khởi kiện tại toà án. Nếu không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ thì người khiếu nại, người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp đến quyết định đó có quyền khởi kiện tại toà án.

Hồ sơ khiếu nại 
Nội dung khiếu nại phải được thể hiện bằng đơn khiếu nại, trong đó phải nêu rõ họ và tên, địa chỉ của người khiếu nại; số, ngày ký, nội dung thông báo hoặc quyết định bị khiếu nại; nội dung khiếu nại, lập luận, dẫn chứng chứng minh cho khiếu nại; đề nghị cụ thể về việc sửa chữa hoặc hủy bỏ thông báo hoặc quyết định liên quan. 

Hồ sơ gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Văn bản giải trình khiếu nại và chứng cứ chứng minh lý lẽ khiếu nại                 
  • Bản sao quyết định hoặc thông báo bị khiếu nại của Cục SHTT
  • Bản sao quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ nhất (đối với khiếu nại lần thứ hai)
  • Giấy uỷ quyền (theo mẫu chúng tôi cung cấp).

Giải quyết đơn khiếu nại
Thụ lý đơn khiếu nại
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận đơn khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải kiểm tra đơn theo các yêu cầu về hình thức và ra thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại về việc đơn khiếu nại có được thụ lý hay không, trong đó ghi nhận ngày thụ lý đơn hoặc nêu rõ lý do không thụ lý đơn.Đối với những đơn khiếu nại đã thụ lý, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo bằng văn bản về nội dung khiếu nại cho người có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp (“bên liên quan”) và ấn định thời hạn 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người đó có ý kiến.Bên liên quan có quyền cung cấp thông tin, chứng cứ chứng minh cho lý lẽ của mình trong thời hạn nêu tại điểm 22.6.a trên đây, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có trách nhiệm xem xét các thông tin, chứng cứ đó khi giải quyết khiếu nại.Nếu kết thúc thời hạn nêu trên mà bên liên quan không có ý kiến thì khiếu nại sẽ được giải quyết trên cơ sở ý kiến của người khiếu nại.

Quyết định giải quyết khiếu nại
Căn cứ vào lập luận, chứng cứ của người khiếu nại và bên liên quan, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải ra quyết định giải quyết khiếu nại trong thời hạn giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.Trước khi ra quyết định giải quyết khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại thông báo cho người khiếu nại và bên liên quan về những lập luận và chứng cứ của bên kia được sử dụng để giải quyết khiếu nại cũng như kết luận giải quyết khiếu nại.Quyết định giải quyết khiếu nại phải có các nội dung theo quy định của pháp luật về khiếu nại.

Công bố
Quyết định giải quyết khiếu nại được công bố trên Công báo SHCN trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại
Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu sau ngày kết thúc thời hiệu khiếu nại lần thứ hai mà người khiếu nại không khiếu nại lần thứ hai và sau thời hiệu khởi kiện hành chính nếu người khiếu nại không khởi kiện hành chính; hoặc Quyết định giải quyết khiếu nại lần thứ hai và người khiếu nại không khởi kiện hành chính trong thời hạn quy định hoặc theo quyết định đã có hiệu lực của toà án nếu người khiếu nại tiến hành khởi kiện hành chính.

Thủ tục đề nghị hủy bỏ VBBH và chấm dứt hiệu lực
Mọi tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích liên quan trực tiếp thấy rằng nhãn hiệu, KDCN, giải pháp hữu ích, sáng chế đã được cấp có ảnh hưởng đến quyền của VBBH của mình đều có quyền đề nghị đề nghị cơ quan chức năng hủy bỏ hiệu lực VBBH đã được cấp.
Cơ sở pháp luật đề nghị hủy bỏ như sau:
VBBH bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

  • Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, KDCN, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
  • Đối tượng SHCN không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp VBBH.

VBBH bị hủy bỏ một phần hiệu lực trong trường hợp phần đó không đáp ứng điều kiện bảo hộ. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu huỷ bỏ hiệu lực VBBH là suốt thời hạn bảo hộ; đối với nhãn hiệu thì thời hiệu này là năm năm kể từ ngày cấp VBBH, trừ trường hợp VBBH được cấp do sự không trung thực của người nộp đơn. Căn cứ kết quả xem xét đơn yêu cầu hủy bỏ hiệu lực VBBH và ý kiến của các bên liên quan, cơ quan quản lý nhà nước về quyền SHCN quyết định hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực VBBH hoặc thông báo từ chối hủy bỏ hiệu lực VBBH. Quy định trên cũng được áp dụng đối với việc huỷ bỏ hiệu lực đăng ký quốc tế đối với nhãn hiệu.

Hồ sơ đề nghị chấm dứt hiệu lực và đề nghị hủy bỏ hiệu lực VBBH nhãn hiệu gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Chứng cứ liên quan đến yêu cầu chấm dứt/hủy bỏ hiệu VBBH,
  • Bản giải trình lý do yêu cầu (nêu rõ số văn bằng, lý do, căn cứ pháp luật, nội dung đề nghị chấm dứt, huỷ bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực VBBH) và các tài liệu liên quan khác.
  • Giấy ủy quyền(theo mẫu chúng tôi cung cấp).

Giải quyết đơn
Quy trình xử lý đề nghị chấm dứt hiệu lực và đề nghị hủy bỏ hiệu VBBH như sau:Trường hợp yêu cầu chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực VBBH do người thứ ba thực hiện, Cục SHTT thông báo bằng văn bản về ý kiến của người thứ ba cho chủ VBBH trong đó ấn định thời hạn là 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để chủ VBBH có ý kiến. Cục SHTT có thể tổ chức việc trao đổi ý kiến trực tiếp giữa người thứ ba và chủ VBBH liên quanTrên cơ sở xem xét ý kiến của các bên, Cục SHTT ra quyết định chấm dứt/huỷ bỏ một phần/toàn bộ hiệu lực VBBH hoặc thông báo từ chối chấm dứt/huỷ bỏ hiệu lực VBBH theo quy định tại khoản 4 Điều 95 và khoản 4 Điều 96 của Luật SHTT.

Khiếu nại quyết định giải quyết
Nếu không đồng ý với nội dung quyết định xử lý yêu cầu chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực VBBH của Cục SHTT, người yêu cầu hoặc bên liên quan có quyền khiếu nại quyết định hoặc thông báo liên quan theo trình tự đã nêu trên.

Công bố
Quyết định chấm dứt, huỷ bỏ hiệu lực VBBH được công bố trên Công báo SHCN và được ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về SHCN trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Thực thi
Quyền độc quyền đối với kiểu dáng của chủ kiểu dáng công nghiệp về cơ bản là quyền ngăn cấm người khác sử dụng trái phép vì mục đích thương mại kiểu dáng công nghiệp của mình như sản xuất, lưu thông, chào bán, quảng cáo, tàng trữ, nhập khẩu sản phẩm mang kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ của mình.Để tự bảo vệ quyền độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của mình, chủ kiểu dáng công nghiệp cũng nên theo dõi việc sử dụng kiểu dáng công nghiệp bởi người khác, phát hiện các hành vi vi phạm và thực hiện các biện pháp thực thi đối với kiểu dáng được bảo hộ.Khi phát hiện kiểu dáng công nghiệp của mình đã hoặc đang bị vi phạm, chủ kiểu dáng công nghiệp có thể tiến hành các bước sau:
  • Gửi thư khuyến cáo trong đó đưa ra các thông tin về kiểu dáng công nghiệp và yêu cầu người xâm phạm chấm dứt các hành vi xâm phạm;
  • Tiến hành các biện pháp thực thi quyền độc quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của mình.

Chủ kiểu dáng công nghiệp có thể áp dụng các biện pháp hành chính, dân sự, hình sự và các biện pháp kiểm soát biên giới để bảo vệ các quyền đối với kiểu dáng công nghiệp của mình.
Biện pháp hành chính
Để thực hiện biện pháp hành chính, chủ kiểu dáng công nghiệp phải nộp đơn yêu cầu xử lý xâm phạm tại một trong các cơ quan có thẩm quyền sau:

  • Thanh tra Khoa học và Công nghệ;
  • Quản lý thị trường;
  • Hải quan;
  • Công an;
  • Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Trên cơ sở xem xét các chứng cớ được cung cấp theo đơn, các cơ quan nêu trên có thể buộc các cá nhân hoặc tổ chức vi phạm chấm dứt hành vi xâm phạm. Theo thẩm quyền của mình và tùy thuộc vào bản chất cũng như mức độ xâm phạm, các cơ quan nói trên sẽ áp dụng các hình thức xử phạt hành chính như:

  • Cảnh cáo;
  • Phạt tiền;
  • Áp dụng các hình thức xử phải bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, đình chỉ hoạt động kinh doanh sản phẩm dịch vụ xâm phạm của người xâm phạm;
  • Áp dụng các biện pháp khắc phục hiệu quả như buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm, buộc tiêu hủy hoặc phân phối, sử dụng với mục đích phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ nhãn hiệu, buộc tái xuất hoặc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Ngoài ra chủ kiểu dáng công nghiệp có thể yêu cầu các cơ quan hành chính có thẩm quyền áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử phạt hành chính như tạm giữ người, hàng hóa, tang vật, phương tiện vi phạm, khám người, phương tiện vận tải, nơi cất giấu hàng xâm phạm.

Biện pháp dân sự
Các tòa án có thẩm quyền xét xử các vụ kiện dân sự liên quan đến xâm phạm kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

  • Tòa án nhân dân cấp huyện (tòa dân sự);
  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh (tòa dân sự và tòa kinh tế);
  • Tòa án nhân dân tối cao (tòa dân sự và tòa kinh tế).

Các biện pháp dân sự có thể được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân xâm phạm các quyền đối với kiểu dáng công nghiệp bao gồm:

  • Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
  • Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
  • Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
  • Buộc loại bỏ các yếu tố vi phạm khỏi hàng xâm phạm hoặc sử dụng phi thương mại với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ kiểu dáng công nghiệp;
  • Buộc bồi thường thiệt hại gây ra do xâm phạm.

Khi cần thiết, đặc biệt khi việc xâm phạm có thể gây ra thiệt hại không thể khắc phục cho chủ kiểu dáng công nghiệp hoặc khi chứng cớ xâm phạm có nguy cơ bị tiêu hủy, tẩu tán, các biện pháp khẩn cấp tạm thời sau có thể được tòa án áp dụng:

  • Thu giữ;
  • Kê biên;
  • Niêm phong, cấm thay đổi hiện trạng, cấm di chuyển;
  • Cấm chuyển giao quyền sở hữu;

Thiệt hại do xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể được tính trên cơ sở những tổn thất của nguyên đơn về tinh thần cũng như vật chất như thiệt hại về doanh thu hoặc lợi nhuận và các chi phí hợp lý để ngăn ngừa và khắc phục thiệt hại gây ra do hành vi xâm phạm.

Biện pháp hình sự
Các biện pháp hình sự theo luật hình sự được áp dụng cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có yếu tố cấu thành tội phạm hoặc có hành vi tái phạm sau khi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu trí tuệ. Các tòa án có thẩm quyền bao gồm:

  • Tòa án nhân dân cấp huyện (tòa hình sự);
  • Tòa án nhân dân cấp tỉnh (tòa hình sự);
  • Tòa án nhân dân tối cao (tòa hình sự).

Các chế tài áp dụng là:

  • Cảnh cáo;
  • Phạt tiền;
  • Cải tạo không giam giữ;
  • Phạt tù;
  • Cấm giữ chức vụ trong cơ quan nhà nước hoặc tiến hành kinh doanh trong giai đoạn nhất định.

Các biện pháp kiểm soát biên giới
Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan hải quan thực hiện một trong các biện pháp kiểm soát biên giới sau để ngăn ngừa việc xuất và nhập khẩu hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua biên giới.

  • Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng bị nghi ngờ xâm phạm;
  • Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm.

Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp tự mình hoặc thông qua người đại diện sở hữu trí tuệ nộp đơn yêu cầu tạm dừng hoặc kiểm tra, giám sát hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm cho Tổng cục Hải quan, các cục hải quan hoặc các chi cục hải quan. Trong đơn, người yêu cầu phải cung cấp đầy đủ chứng cớ về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và cung cấp đầy đủ thông tin để hải quan có thể nhận biết hoặc xác định hàng hóa bị nghi ngờ vi phạm hoặc có yếu tố vi phạm. Chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cũng phải cung cấp tài liệu chứng minh quyền đối với kiểu dáng công nghiệp (bản sao văn bằng bảo hộ) và đặt cọc một khoản tiền bằng 20% trị giá lô hàng yêu cầu tạm dừng. Thời hạn tạm dừng là 10 ngày làm việc và có thể được kéo dài tối đa 20 ngày làm việc nếu chủ kiểu dáng công nghiệp có lý do chính đáng để kéo dài thời hạn này và nộp thêm tiền đặt cọc bằng 20% trị giá lô hàng tạm dừng.