Kiểu dáng công nghiệp

Với đội ngũ chuyên gia nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi sẵn sàng cung cấp các dịch vụ bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam và các nước trên thế giới bao gồm:

  • Tiến hành tra cứu, tư vấn về khả năng bảo hộ của kiểu dáng công nghiệp.
  • Chuẩn bị hình vẽ/ảnh chụp và soạn thảo bản mô tả, nộp và theo đuổi đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp.
  • Phản đối cấp/khiếu nại đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp của đơn vị xâm phạm quyền.
  • Gia hạn hiệu lực và khảo sát tính hiệu lực của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
  • Đình chỉ và hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
  • Đàm phán và soạn thảo, đăng ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu, chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp và các hợp đồng liên quan đến kiểu dáng công nghiệp.
  • Tư vấn thực thi quyền độc quyền kiểu dáng công nghiệp.
  • Tranh tụng, giải quyết tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ đối với kiểu dáng công nghiệp.

 

Kiểu dáng công nghiệp

Quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này.

Sản phẩm được hiểu là đồ vật, dụng cụ, thiết bị, phương tiện, hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành các sản phẩm đó, được sản xuất bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có kết cấu và chức năng rõ ràng, được lưu thông độc lập.

Để đăng ký kiểu dáng công nghiệp, bạn phải nộp đơn đăng ký tại cơ quan đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc gia (hoặc khu vực) của nước (hoặc khu vực) mà bạn muốn nhận được sự bảo hộ,

Khi kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ thông qua đăng ký, chủ sở hữu được cấp độc quyền chống lại việc sao chép và bắt chước trái phép của bên thứ ba. Quyền này bao gồm quyền ngăn cấm tất cả những người khác sản xuất, chào bán, nhập khẩu, xuất khẩu và bán hàng hóa bất kỳ chứa hoặc sử dụng kiểu dáng đã được đăng ký.

1. Tổ chức, cá nhân sau đây có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp:

a) Tác giả tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí bằng công sức và chi phí của mình;

b) Tổ chức, cá nhân đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất cho tác giả dưới hình thức giao việc, thuê việc, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác và thỏa thuận đó không trái với quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Chính phủ quy định quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật, kinh phí từ ngân sách nhà nước.

3. Trường hợp nhiều tổ chức, cá nhân cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư để tạo ra sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí thì các tổ chức, cá nhân đó đều có quyền đăng ký và quyền đăng ký đó chỉ được thực hiện nếu được tất cả các tổ chức, cá nhân đó đồng ý.

4. Người có quyền đăng ký quy định tại Điều này có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa theo quy định của pháp luật, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.

Điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp

Tại Điều 63 Luật Sở hữu trí tuệ quy định kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Có tính mới;
  • Có tính sáng tạo;
  • Có khả năng áp dụng công nghiệp.

Tính mới của kiểu dáng công nghiệp

1. Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp đó khác biệt đáng kể với nhữg kiểu dáng công nghiệp đã bị bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.

2. Hai kiểu dáng công nghiệp không được coi là khác biệt đáng kể với nhau nếu chỉ khác biệt về những đặc điểm tạo dáng không dễ dàng nhận biết, ghi nhớ và không thể dùng để phân biệt tổng thể hai kiểu dáng công nghiệp đó.

3. Kiểu dáng công nghiệp được coi là chưa bị bộc lộ công khai nếu chỉ có một số người có hạn được biết và có nghĩa vụ giữ bí mật về kiểu dáng công nghiệp đó.

4. Kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới nếu được công bố trong các trường hợp sau đây với điều kiện đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được nộp trong thời hạn sáu tháng kể từ ngày công bố:

a) Kiểu dáng công nghiệp bị người khác công bố nhưng không được phép của người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này;

b) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này công bố dưới dạng báo cáo khoa học;

c) Kiểu dáng công nghiệp được người có quyền đăng ký quy định tại Điều 86 của Luật này trưng bày tại cuộc triển lãm quốc gia của Việt Nam hoặc tại cuộc triển lãm quốc tế chính thức hoặc được thừa nhận là chính thức.

Tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có tính sáng tạo nếu căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên, kiểu dáng công nghiệp đó không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.

Khả năng áp dụng công nghiệp của kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp.

Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp

Các đối tượng sau đây không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp:

  • Hình dáng bên ngoài của sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm bắt buộc phải có;
  • Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng dân dụng hoặc công nghiệp;
  • Hình dáng của sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng sản phẩm.
  • Đối tượng trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh.

Câu hỏi thường gặp

Kiểu dáng công nghiệp là một trong số các yếu tố chính thu hút người tiêu dùng đến với sản phẩm của doanh nghiệp.

Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này. Từ bàn cho đến điện thoại, kiểu dáng công nghiệp là một trong số các yếu tố chính thu hút người tiêu dùng đến với một sản phẩm hoặc khiến cho họ thích sử dụng sản phẩm này hơn sản phẩm kia.

1. Kiểu dáng công nghiệp thúc đẩy sự lựa chọn của người tiêu dùng – Người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm hoạt động tốt và đồng thời đẹp mắt. “Diện mạo” hoặc hình thức của sản phẩm có thể đóng một vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của người tiêu dùng.

2. Kiểu dáng công nghiệp liên quan đến tất cả các doanh nghiệp – Hình dáng bên ngoài, bất kể sản phẩm, từ đồ gia dụng, ô tô và thiết bị liên lạc đến thiết bị chiếu sáng, bao bì và hộp đựng.

3. Kiểu dáng công nghiệp đang phát triển – Các công nghệ mới được liên kết, cụ thể là với Internet và phương tiện truyền thông xã hội đã kích hoạt việc tạo ra các loại kiểu dáng công nghiệp mới như giao diện người dùng đồ họa (GUI) và biểu tượng.

Quyền đối với kiểu dáng công nghiệp có thể mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp 

Bảo vệ kiểu dáng công nghiệp nên là một phần của một chiến lược kinh doanh bất kỳ ngay từ đầu của một dự án bất kỳ, vì tính mới thường là điều kiện cần thiết để có được độc quyền kiểu dáng công nghiệp. Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mang lại các lợi ích sau:

1. Nó tạo ra độc quyền

Chủ sở hữu quyền có các biện pháp hợp pháp để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn người khác khai thác thương mại hoặc sao chép kiểu dáng công nghiệp của mình.

2. Độc quyền kiểu dáng công nghiệp là tài sản kinh doanh

Chúng là một phần của danh mục tài sản trí tuệ của công ty và có thể làm tăng giá trị cũng như giá trị thị trường của các sản phẩm của công ty.

3. Độc quyền kiểu dáng công nghiệp có thể được bán hoặc chuyển giao quyền sử dụng cho một công ty khác

Đây là một nguồn thu nhập tiềm năng cho chủ sở hữu quyền.

4. Độc quyền kiểu kiểu dáng công nghiệp có thể củng cố thương hiệu và danh tiếng của công ty

Trong một thị trường cạnh tranh, kiểu dáng công nghiệp có thể tăng thêm giá trị tiếp thị cho sản phẩm và giúp chúng nổi bật giữa các sản phẩm cùng loại.

5. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp góp phần vào việc thu lợi tức đầu tư

Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp góp phần vào việc thu lợi tức đầu tư đầu tư được thực hiện thông qua việc tạo ra và tiếp thị các sản phẩm hấp dẫn và sáng tạo. Nó cũng cổ vũ và khuyến khích sự sáng tạo.

(Nguồn: Cục Sở hữu trí tuệ)

Có một số lý do quan trọng để doanh nghiệp bảo hộ kiểu dáng công nghiệp:

Kiểu dáng của một sản phẩm thường  là yếu tố tạo ra sự hấp dẫn hoặc cuốn hút đối với khách hàng và sự hấp dẫn hữu hình là yếu tố chính trong việc quyết định lựa chọn sản phẩm này thay vì sản phẩm khác của khách hàng. Điều này là đặc biệt đúng với các chủng loại mà có rất nhiều sản phẩm có cùng chức năng. Do tầm quan trọng về thương mại của kiểu dáng đối với sự thành công của sản phẩm, việc bảo hộ kiểu dáng khỏi hành vi sao chép và bắt chước của đối thủ cạnh tranh là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của doanh nghiệp.

Kiểu dáng công nghiệp chính là tài sản của doanh nghiệp. Nó có thể làm gia tăng giá trị thương mại của công ty và sản phẩm của họ. Kiểu dáng công nghiệp của một sản phẩm càng thành công thì giá trị thương mại của công ty đó càng lớn. Vì vậy kiểu dáng công nghiệp phải được quản lý, bảo hộ đầy đủ.

Kiểu dáng công nghiệp có vai trò quan trọng trong việc tiếp thị thành công một sản phẩm, giúp xác định hình ảnh hương hiệu của công ty. Việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp đảm bảo sự độc quyền đối với việc sử dụng chúng và là nhân tố chính trong chiến lược tiếp thị của công ty.

Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ có thể tạo ra nguồn thu nhập bổ sung cho công ty của bạn thông qua việc thu phí chuyển giao quyền sử dụng (li xăng) kiểu dáng cho người khác hoặc thông qua nhượng quyền thương mại của kiểu dáng công nghiệp.

Chuẩn bị hồ sơ đơn, nộp đơn

Để đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, bạn sẽ phải chuẩn bị bộ hồ sơ đơn đăng ký bao gồm:

  • Tờ khai (theo mẫu của Cục SHTT)
  • Bản mô tả KDCN
  • Bộ ảnh chụp/bản vẽ KDCN
  • Giấy ủy quyền (theo mẫu của chúng tôi cung cấp)
  • Giấy chuyển nhượng quyền nộp đơn (nếu có)
  • Tài liệu xác nhận quyền đăng ký (nếu thụ hưởng từ người khác);
  • Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu đơn đăng ký KDCNcó yêu cầu hưởng quyền ưu tiên).

Khi đơn được nộp, phòng nhận đơn sẽ xem xét đơn kiểu dáng có thỏa mãn các yêu cầu về tài liệu và thông tin không.

Nếu các yêu cầu này được thỏa mãn, phòng nhận đơn sẽ tiếp nhận đơn và ghi nhận tạm thời ngày nộp đơn và số đơn.

Thẩm định hình thức đơn

Đơn được tiếp nhận sẽ được thẩm định hình thức trong vòng một tháng. Xét nghiệm viên kiểu dáng công nghiệp của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam sẽ thẩm định xem đơn có đáp ứng các yêu cầu về mặt hình thức không.

Nếu đơn đáp ứng các đòi hỏi về hình thức và phí đã được nộp đầy đủ, đơn sẽ được coi là hợp lệ và Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi cho người nộp đơn (hoặc đại diện của người nộp đơn) Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và ghi nhận chính thức số đơn và ngày nộp đơn.

Công bố đơn kiểu dáng công nghiệp

Đơn kiểu dáng sẽ được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Tập A vào tháng thứ 2 tính từ ngày đơn được chấp nhận hợp lệ.

Nội dung đơn được công bố bao gồm số công bố và ngày công bố, số đơn và ngày nộp đơn, thông tin về người nộp đơn, người đại diện, các dữ liệu ưu tiên, tên kiểu dáng, phân loại kiểu dáng, số phương án và các ảnh chụp/bản vẽ của kiểu dáng công nghiệp.

Thẩm định nội dung đơn kiểu dáng công nghiệp

Đơn kiểu dáng công nghiệp sau khi công bố sẽ được tự động thẩm định nội dung đơn. Thời gian thẩm định nội dung đơn là 6 tháng tính từ ngày đơn được công bố.

Cấp, đăng bạ và công bố bằng độc quyền Kiểu dáng công nghiệp

Khi đơn đã đáp ứng các yêu cầu về hình thức và nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo kết quả thẩm định nội dung và yêu cầu người nộp đơn nộp lệ phí cấp bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, phí đăng bạ và công bố.

Sau khi nhận được phí nêu trên, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ cấp bằng, ghi nhận các thông tin liên quan đến văn bằng vào sổ đăng bạ quốc gia và công bố văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp, Tập B vào tháng thứ hai tính từ ngày cấp bằng.

Thời hạn bảo hộ và gia hạn văn bằng bảo hộ

Thời hạn bảo hộ của bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp là 5 năm tính từ ngày nộp đơn hợp lệ.

Thời hạn bảo hộ này có thể được gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm với điều kiện chủ kiểu dáng phải nộp đơn yêu cầu gia hạn và nộp phí gia hạn trong khoảng thời gian 6 tháng trước ngày bằng độc quyền kiểu dáng hết hiệu lực. Phí gia hạn cũng có thể được nộp muộn nhưng không quá 6 tháng kể từ ngày bằng độc quyền kiểu dáng hết hiệu lực và người nộp đơn phải trả khoản phí nộp muộn theo quy định.