- Thiết kế bố trí mạch tích hợp
- Giống cây trồng
- Nhãn hiệu nổi tiếng
- Bí mật kinh doanh
- Chống cạnh tranh không lành mạnh
- Tên miền
- Tư vấn các vấn đề pháp lý khác
- Dịch vụ dịch thuật
Các dịch vụ khác
Các vấn đề pháp lý cơ bản dành cho CEO
Bên cạnh Chủ tịch Hội đồng quản trị/Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc điều hành (CEO) giữ một vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển của một doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trực tiếp lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động của một doanh nghiệp. Vì vậy đòi hỏi vị trí cấp cao này cần có kiến thức sâu rộng về quản trị doanh nghiệp bao gồm quản lý công việc và quản trị con người, có tố chất lãnh đạo, có kỹ năng mềm cao và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chuyên môn, có kiến thức và kỹ năng về thị trường, về khách hàng, biết cách đánh giá và nhạy cảm về mức độ cạnh tranh để có thể xác định và đưa ra những chiến lược kinh doanh đúng đắn. Đặc biệt, CEO phải am hiểu các vấn đề liên quan đến luật, nhân sự, thuế, hành vi tổ chức, tài chính, kế toán,…để hạn chế những rủi ro trong kinh doanh và quyết định những vấn đề mang tính chiến lược, quan trọng của doanh nghiệp.
Các kiến thức pháp lý cơ bản dành cho CEO là gì?
- Văn bản/tài liệu pháp lý quan trọng của doanh nghiệp: Điều lệ công ty, quy chế quản lý nội bộ của công ty; Sổ đăng ký thành viên hoặc sổ đăng ký cổ đông; Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và các Giấy chứng nhận khác; Giấy chứng nhận đăng ký chất lượng sản phẩm; Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; Tài liệu và các giấy tờ xác nhận quyền sở hữu tài sản của công ty; Biên bản họp Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị; các Quyết định của doanh nghiệp; Bản cáo bạch để phát hành chứng khoán; Báo cáo tài chính hàng năm, sổ sách kế toán, chứng từ kế toán; Báo cáo của Ban kiểm soát, Kết luận của tổ chức kiểm toán, Kết luận của cơ quan thanh tra….
- Các quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp (theo Điều 8, Điều 9 của Luật Doanh nghiệp)
- Quản lý dòng tiền ra và dòng tiền vào của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;
- Có kiến thức pháp lý cơ bản về hợp đồng thương mại liên quan đến ngành nghề, lĩnh vực mà doanh nghiệp đang kinh doanh;
- Xác định được quyền hạn của người quản lý doanh nghiệp và lựa chọn mô hình tổ chức doanh nghiệp phù hợp cho doanh nghiệp.
Các loại thuế mà doanh nghiệp cần quan tâm là gì?
Các loại thuế mà doanh nghiệp cần quan tâm gồm lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.
Lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài hay thuế môn bài là một loại thuế trực thu mà tổ chức sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh phải nộp định kỳ hàng năm dựa trên vốn điều lệ/vốn đầu tư (đối với tổ chức) hoặc doanh thu theo năm (đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh). Sau khi thành lập, doanh nghiệp tư nhân có trách nhiệm kê khai và tiến hành nộp lệ phí môn bài cho Chi cục Thuế quản lý trực tiếp. Thời gian nộp lệ phí môn bài chậm nhất là vào ngày 30/1 hàng năm.
Mức thu lệ phí môn bài đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng là 3 triệu đồng/năm, đối với doanh nghiệp có vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư dưới 10 tỷ động là 2 triệu đồng/năm và đối với chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân hoặc đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế khác là 1 triệu đồng/năm.
Nếu hộ kinh doanh chuyển thành doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được miễn lệ phí môn bài trong 3 năm đầu.
Thuế giá trị gia tăng
Thuế giá trị gia tăng là thuế chỉ áp dụng trên phần giá trị tăng thêm mà không phải đối với toàn bộ giá trị hàng hóa, dịch vụ. Thuế giá trị gia tăng là loại thuế gián thu, được cộng vào giá bán hàng hóa, dịch vụ và do người tiêu dùng trả khi sử dụng sản phẩm đó. Mặc dù người tiêu dùng mới chính là người chi trả thuế giá trị gia tăng, nhưng người trực tiếp thực hiện nghĩa vụ đóng thuế với Nhà nước lại là đơn vị sản xuất, kinh doanh.
Hiện nay, thuế giá trị gia tăng được tính trên tất cả hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ mà doanh nghiệp kinh doanh. Loại thuế này sẽ được áp dụng tùy vào từng loại dịch vụ, sản phẩm và hàng hóa của doanh nghiệp đó. Có ba mức thuế là 0% – 5% – 10%.
Thuế thu nhập doanh nghiệp
Công thức tính thuế thu nhập doanh nghiệp như sau: Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN nếu có) x Thuế suất TNDN.
Trong đó:
- Thu nhập tính thuế = Thu nhập chịu thuế – Thu nhập được miễn thuế – Lỗ kết chuyển theo quy định
- Thu nhập chịu thuế = Doanh thu tính thế – Chi phí được trừ + Thu nhập chịu thuế khác theo pháp luật quy định.
Thuế suất của thuế thu nhập doanh nghiệp được căn cứ vào doanh thu của doanh nghiệp trong năm, cụ thể:
- Áp dụng thuế suất 20% cho tất cả các doanh nghiệp không phân biệt doanh thu.
- Những doanh nghiệp có hoạt động tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí, các tài nguyên quý hiếm sẽ áp dụng mức thuế suất 32-50% tùy thuộc vào vị trí, điều kiện khai thác và trữ lượng mỏ.
- Các doanh nghiệp có hoạt động thăm dò, tìm kiếm, khai thác các tài nguyên quý hiếm như bạch kim, vàng, bạc, thiếc, đá quý… sẽ áp dụng mức thuế suất 50%.
- Các doanh nghiệp thăm dò khai thác mỏ tài nguyên quý hiếm có từ 70% diện tích trở lên ở địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn được ưu đãi thuế TNDN ban hành kèm quyết định số 218/2013/NĐ-CP của Chính phủ thì chỉ áp dụng mức thuế suất 40%.
Thuế thu nhập cá nhân
Thuế thu nhập cá nhân được xác định là loại thuế đánh trực tiếp vào thu nhập của từng cá nhân, nếu như thu nhập của người đó nằm trong trường hợp phải nộp thuế. Doanh nghiệp sẽ là đơn vị tiến hành nộp thuế cho cơ quan thuế. Vì thế, doanh nghiệp cần thực hiện khấu trừ thuế thu nhập cá nhân của người lao động trước khi chi trả phần lương thực tế đó cho họ.
Câu hỏi thường gặp
Kiến thức về luật pháp rất rộng, không phải CEO nào cũng có đủ khả năng và kiến thức pháp lý để đảm bảo chắc chắn rằng mọi điều hành của mình sẽ không vướng vào các rủi ro pháp lý. Và cũng không phải doanh nghiệp nào cũng có điều kiện để thành lập Bộ phận/Phòng/Ban Pháp chế để kiểm soát, tư vấn cho Ban Giám đốc điều hành các vấn đề pháp lý doanh nghiệp. Lựa chọn dịch vụ tư vấn pháp lý doanh nghiệp thường xuyên từ các văn phòng luật sư, công ty luật sẽ là một lựa chọn thông minh, vừa tiết kiệm chi phí, vừa đảm bảo được mọi hoạt động kinh doanh của công ty luôn đi đúng hướng, đúng pháp luật, tránh được mọi rủi ro về mặt pháp lý không đáng có.
Thay vì phải trả lương cho bộ phận nhân sự kèm theo các chi phí văn phòng và các chi phí quản lý phát sinh khác, tinh giản được bộ máy doanh nghiệp, mức phí trả cho luật sư tư vấn pháp lý doanh nghiệp thường xuyên của doanh nghiệp sẽ tiết kiệm hơn rất nhiều. Thêm vào đó, việc được sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý doanh nghiệp từ một đội ngũ luật sư chuyên nghiệp, giàu kinh nghiệm trong tất cả các lĩnh vực từ hoạt động kinh doanh thương mại, quản lý doanh nghiệp, hợp đồng, thu hồi các khoản nợ, các vấn đề lao động… cũng sẽ xử lý và giải quyết các vấn đề nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Đặc biệt, trong các cuộc đàm phán thương mại, nếu có được sự tư vấn am hiểu các vấn đề pháp lý từ phía các luật sư giỏi, doanh nghiệp sẽ tránh được các vấn đề rủi ro, nhanh chóng, tự tin đưa ra các quyết định ký kết hợp tác có lợi cho doanh nghiệp.
1. Bỏ quy định về thông báo mẫu dấu doanh nghiệp trước khi sử dụng
Theo đó, Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về con dấu của doanh nghiệp như sau:
– Dấu bao gồm dấu được làm tại cơ sở khắc dấu hoặc dấu dưới hình thức chữ ký số theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.
– Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp.
– Việc quản lý và lưu giữ dấu thực hiện theo quy định của Điều lệ công ty hoặc quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc đơn vị khác của doanh nghiệp có dấu ban hành. Doanh nghiệp sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật.
Như vậy, so với quy định về con dấu tại Luật Doanh nghiệp 2014 thì Luật Doanh nghiệp 2020 đã bỏ quy định “Trước khi sử dụng, doanh nghiệp có nghĩa vụ thông báo mẫu con dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh để đăng tải công khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp”.
2. Thêm đối tượng không được thành lập doanh nghiệp
Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, gồm:
– Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp);
– Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
3. Rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh từ 2021
Khoản 1 Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Doanh nghiệp có quyền tạm ngừng kinh doanh nhưng phải thông báo bằng văn bản về thời điểm và thời hạn tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất 15 ngày trước ngày tạm ngừng hoặc tiếp tục kinh doanh. Quy định này áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã rút ngắn thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh. Cụ thể: Doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Như vậy, thời gian báo trước khi tạm ngừng kinh doanh được rút ngắn từ chậm nhất 15 ngày xuống còn 03 ngày làm việc.
4. Bổ sung hồ sơ đăng ký công ty TNHH, công ty CP
So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 yêu cầu hồ sơ đăng ký công ty TNHH (Điều 21), công ty CP (Điều 22) phải có bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật, tương tự như thành viên công ty TNHH và cổ đông sáng lập công ty CP.
5. Bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết
So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết như sau:
Cổ phần phổ thông được dùng làm tài sản cơ sở để phát hành chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết được gọi là cổ phần phổ thông cơ sở. Chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết có lợi ích kinh tế và nghĩa vụ tương ứng với cổ phần phổ thông cơ sở, trừ quyền biểu quyết.
Chính phủ quy định về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết.
6. Quy định loại trừ trường hợp giải thể do bị thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp
Điểm d khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định: “Doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp bị thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.”
Quy định này bảo đảm tính đồng bộ với quy định của Luật Quản lý thuế.
Điểm g khoản 1 và khoản 2 Điều 125 Luật Quản lý thuế 2019 quy định:
“Điều 125. Biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế
1. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế bao gồm: … g) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp,… 2. Các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế quy định tại khoản 1 Điều này chấm dứt hiệu lực kể từ khi tiền thuế nợ được nộp đủ vào ngân sách nhà nước.“ |
7. Thay đổi khái niệm doanh nghiệp nhà nước
Khái niệm doanh nghiệp nhà nước theo khoản 11 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, bao gồm các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, tổng số cổ phần có quyền biểu quyết theo quy định tại Điều 88 Luật này.
(Còn theo Luật Doanh nghiệp 2014, doanh nghiệp nhà nước là doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ)
8. Doanh nghiệp nhà nước phải thành lập Ban Kiểm soát
Theo khoản 1 Điều 103 Luật Doanh nghiệp 2020: Căn cứ quy mô của công ty, cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định thành lập Ban kiểm soát có từ 01 đến 05 Kiểm soát viên, trong đó có Trưởng Ban kiểm soát.
(Hiện hành, theo Luật Doanh nghiệp 2014: bổ nhiệm 01 Kiểm soát viên hoặc thành lập Ban kiểm soát gồm 03 đến 05 Kiểm soát viên).
Nhiệm kỳ Kiểm soát viên không quá 05 năm và có thể được bổ nhiệm lại nhưng không quá 02 nhiệm kỳ liên tục tại công ty đó. Trường hợp Ban kiểm soát chỉ có 01 Kiểm soát viên thì Kiểm soát viên đó đồng thời là Trưởng Ban kiểm soát và phải đáp ứng tiêu chuẩn của Trưởng Ban kiểm soát.
9. Sửa đổi quy định xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt
Cụ thể, so với quy định hiện hành, việc xử lý phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt được sửa đổi, bổ sung như sau:
– Trường hợp thành viên bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của thành viên đó trong công ty được thực hiện thông qua người đại diện. (Hiện hành, được thực hiện thông qua người giám hộ).
– Trường hợp thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác thì người được tặng cho trở thành thành viên công ty theo quy định sau đây:
+ Người được tặng cho thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người này đương nhiên là thành viên công ty; (Hiện hành, là vợ, chồng, cha, mẹ, con, người có quan hệ họ hàng đến hàng thừa kế thứ ba…)
+ Người được tặng cho không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 6 Điều 53 thì người này chỉ trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận.
– Bổ sung: Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì thành viên đó ủy quyền cho người khác thực hiện một số hoặc tất cả quyền và nghĩa vụ của mình tại công ty.
– Bổ sung: Trường hợp thành viên công ty là cá nhân bị Tòa án cấm hành nghề, làm công việc nhất định hoặc thành viên công ty là pháp nhân thương mại bị Tòa án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của công ty thì thành viên đó không được hành nghề, làm công việc đã bị cấm tại công ty đó hoặc công ty tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án.
10. Sửa quy định về quyền của cổ đông phổ thông
Hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% tổng số cổ phần phổ thông trở lên trong thời hạn liên tục ít nhất 06 tháng hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn quy định tại Điều lệ công ty để có các quyền theo quy định tại khoản 2 Điều 114 Luật này.
Tuy nhiên, theo Luật Doanh nghiệp 2020, cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 05% tổng số cổ phần phổ thông trở lên hoặc một tỷ lệ khác nhỏ hơn theo quy định tại Điều lệ công ty có quyền của cổ đông phổ thông quy định tại khoản 2 Điều 115 Luật này.
11. DNTN có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh
Theo Điều 205 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp tư nhân có thể chuyển đổi thành công ty TNHH, công ty CP hoặc công ty hợp danh theo quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Doanh nghiệp được chuyển đổi phải có đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 27 của Luật này;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản chịu trách nhiệm cá nhân bằng toàn bộ tài sản của mình đối với tất cả khoản nợ chưa thanh toán và cam kết thanh toán đủ số nợ khi đến hạn;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân có thỏa thuận bằng văn bản với các bên của hợp đồng chưa thanh lý về việc công ty được chuyển đổi tiếp nhận và tiếp tục thực hiện các hợp đồng đó;
– Chủ doanh nghiệp tư nhân cam kết bằng văn bản hoặc có thỏa thuận bằng văn bản với các thành viên góp vốn khác về việc tiếp nhận và sử dụng lao động hiện có của doanh nghiệp tư nhân.
Hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2014 chỉ quy định trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp tư nhân thành công ty TNHH.
12. Bỏ quy định “Báo cáo thay đổi thông tin của người quản lý doanh nghiệp”
Hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định doanh nghiệp phải báo cáo Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp có trụ sở chính trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có thay đổi thông tin về họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của những người sau đây:
– Thành viên Hội đồng quản trị đối với công ty cổ phần;
– Thành viên Ban kiểm soát hoặc Kiểm soát viên;
– Giám đốc hoặc Tổng giám đốc.
Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 đã bãi bỏ quy định này.
13. Bổ sung thêm nghĩa vụ của cổ đông
Theo đó, bên cạnh việc kế thừa quy định về nghĩa vụ của cổ đông phổ thông tại Điều 115 Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung thêm nội dung sau:
“Bảo mật các thông tin được công ty cung cấp theo quy định tại Điều lệ công ty và pháp luật; chỉ sử dụng thông tin được cung cấp để thực hiện và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; nghiêm cấm phát tán hoặc sao, gửi thông tin được công ty cung cấp cho tổ chức, cá nhân khác.”
14. Bổ sung trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần
So với quy định hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2020, bổ sung thêm trách nhiệm của người quản lý công ty cổ phần như sau:
Thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và người quản lý khác vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 165 Luật Doanh nghiệp 2020 chịu trách nhiệm cá nhân hoặc liên đới đền bù lợi ích bị mất, trả lại lợi ích đã nhận và bồi thường toàn bộ thiệt hại cho công ty và bên thứ ba.
15. Thêm trường hợp chấm dứt tư cách thành viên hợp danh
Theo khoản 1 Điều 185 Luật Doanh nghiệp 2020, thành viên hợp danh bị chấm dứt tư cách trong trường hợp sau đây:
– Tự nguyện rút vốn khỏi công ty;
– Chết, mất tích, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
– Bị khai trừ khỏi công ty;
– Chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật;
– Trường hợp khác do Điều lệ công ty quy định.
So với Luật Doanh nghiệp 2014, thêm trường hợp “có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” và “chấp hành hành phạt tù hoặc bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định theo quy định của pháp luật”.
16. Bổ sung quy định “thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt”
So với quy định hiện hành, Luật Doanh nghiệp 2020, bổ sung quy định “thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt” như sau:
– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc thì ủy quyền cho người khác thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.
– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó.
– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà không có người thừa kế, người thừa kế từ chối nhận thừa kế hoặc bị truất quyền thừa kế thì tài sản của chủ doanh nghiệp tư nhân được xử lý theo quy định của pháp luật về dân sự.
– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì quyền và nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp tư nhân được thực hiện thông qua người đại diện.
– Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân bị Tòa án cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thuộc phạm vi ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân tạm ngừng, chấm dứt kinh doanh ngành, nghề có liên quan theo quyết định của Tòa án hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp tư nhân cho cá nhân, tổ chức khác.
Luật Doanh nghiệp 2020 có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 và thay thế Luật Doanh nghiệp 2014.
(Nguồn: thuvienphapluat.vn)
Lưu ý về thuế GTGT của doanh nghiệp
Thuế GTGT là một trong những điều quan trọng đầu tiên mà mọi kế toán đều cần phải lưu ý khi quyết toán thuế doanh nghiệp thương mại.
Theo đó, nhằm đảm bảo cho việc quyết toán thuế được thực hiện nhanh chóng, chính xác, tránh được tình trạng sai sót có thể xảy ra, các kế toán cần phải kiểm tra thật kỹ các chứng từ, sổ sách có liên quan tới thuế GTGT của doanh nghiệp.
Hàng kỳ, các kế toán cần kiểm tra xem các tờ khai đã được nộp đúng hạn hay chưa; nên liệt kê các tờ khai ra riêng một bảng excel để tiện cho việc theo dõi, kiểm tra thông tin sau này.
Hàng tháng, kế toán doanh nghiệp thương mại nên kiểm tra các lại các tờ khai trong tháng, đối chiếu hóa đơn GTGT xem việc kê khai có đầy đủ hay không, hóa đơn có bị mất hay thất lạc hay không và nếu mất thì nguyên nhân do đâu.
Việc kiểm tra, đối chiếu định kỳ này sẽ giúp kế toán kiểm soát tốt tình hình hóa đơn của doanh nghiệp; sớm đưa ra phương án giải quyết tốt nhất nếu có vấn đề về hóa đơn phát sinh; hạn chế tối đa rủi ro hóa đơn cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, trong quá trình làm sổ sách, để thông tin hóa đơn được minh bạch, rõ ràng, hạn chế sai sót, hàng tháng kế toán doanh nghiệp cũng cần lưu ý thực hiện các điều sau:
– Kết xuất tờ khai thuế hàng kỳ, gồm hóa đơn đầu ra và hóa đơn đầu vào, ra một file excel để tiện theo dõi.
– Lọc những hóa đơn có giá trị lớn hơn 20 triệu đồng để kiểm tra xem có chuyển khoản bằng ủy nhiệm chi thanh toán hay không. Trường hợp nếu quá 31/12 chưa thanh toán thì phải có hợp đồng trả chậm.
– Kiểm tra lại toàn bộ ủy nhiệm chi. Trường hợp mất hay thất lạc hóa đơn thì phải liên hệ ngay với ngân hàng để làm công văn sao y trích lục xin lại.
– Sắp xếp lại các ủy nhiệm chi rồi photo để kẹp vào các hóa đơn có giá trị lớn hơn 20 triệu đồng.
– Phân loại tất cả các hóa đơn kê khai nhưng bị lỗi rồi photo và tiến hành lập bảng kê riêng. Lưu ý rằng, với các hóa đơn bị mất bản gốc, chỉ còn bản photo thì kế toán cần chuẩn bị kèm theo đó các công văn báo mất đã gửi tới cơ quan thuế, hoặc các thông báo mất HTKK đã nộp cho cơ quan thuế.
– Liệt kê danh sách các hóa đơn đã hủy và kê khai báo cáo sử dụng hóa đơn trong mục chỉ tiêu số 15. Lưu ý rằng, với các hóa đơn đầu ra đã hủy, kế toán cần photo kèm theo biên bản hủy để lưu lại riêng.
Thông thường, các nhân viên thuế sẽ yêu cầu một bản excel tổng hợp báo cáo thuế từ tháng 1 – tháng 12 của năm. Do đó, kế toán các doanh nghiệp nên chủ động lập sẵn file này để nộp nếu được yêu cầu.
Kiểm tra hợp đồng mua vào – bán ra của doanh nghiệp
Thường xuyên kiểm tra định kỳ các hợp đồng mua vào, bán ra của doanh nghiệp là việc làm cần thiết, giúp việc quyết toán thuế doanh nghiệp sau này được đơn giản, dễ dàng hơn.
Thông thường, kế toán ngoài lập một bảng excel để tổng hợp lại toàn bộ hợp đồng kinh tế mua vào – bán ra của doanh nghiệp thì còn cần kiểm tra lại trình trạng hợp đồng đã thanh lý còn dang dở và kiểm tra giá trị hợp đồng, ngày bắt đầu và kết thúc thanh lý hợp đồng đã chính xác hay chưa.
Đối chiếu doanh thu, hóa đơn doanh nghiệp
Để đối chiếu doanh thu, kế toán phải kiểm tra TK 511 nhằm cân đối phát sinh, xem lại kết quả kinh doanh và xem lại bảng kê PL01-1/GTGT về hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra.
Trường hợp ngày trên phiếu xuất kho và ngày xuất hóa đơn khác nhau thì kế toán cần điều chỉnh lại cho trùng khớp, theo ngày xuất hóa đơn.
Lưu ý rằng, các hóa đơn hủy phải được kê khai đúng vào mục 15 trên báo cáo sử dụng hóa đơn và nên lập bảng kê riêng với toàn bộ hóa đơn đã xóa bỏ.
Lưu ý về giá vốn bán hàng
Đối với giá vốn bán hàng, kế toán cần lưu ý kiểm tra lại xem hàng bán có xuất hóa đơn đúng thời hạn hay không; mặt hàng có tồn kho hay không; hàng có được giao đúng ngày xuất kho hay không.
Với những trường hợp hàng hóa còn tồn kho thì phải áp dụng theo phương pháp tính giá tồn kho đúng theo quy định pháp luật hiện hành.
Lưu ý về hàng tồn kho của doanh nghiệp
Cuối cùng, để việc quyết toán thuế doanh nghiệp thương mại được tiến hành nhanh chóng, chính xác, kế toán doanh nghiệp cũng cần phải lưu ý tới vấn đề hàng tồn kho của doanh nghiệp.
Hàng tồn kho trong sổ sách phải đảm bảo khớp với thực tế. Trường hợp không khớp thì phải truy thu thuế GTGT và thuế thu nhập doanh nghiệp theo phương pháp ấn định, dựa trên việc kiểm tra:
– Tình trạng âm kho thực tế.
– Các phiếu nhập xuất, thẻ kho, bảng tổng hợp nhập xuất tồn chi tiết các mặt hàng.
Trước khi thanh kiểm tra có thể tìm cách tống lượng hàng tồn hoặc đi mượn để khi họ vào kiểm khớp với sổ sách và thực tế.
Một số trường hợp có thể xuất cho công ty quen biết tạm, sau đợt thanh tra bên công ty bạn lại xuất trả lại cho công ty mình, sau đó là biên bản cấn trừ công nợ 2 bên theo luật thuế GTGT, vừa bảo toàn thuế GTGT vừa bảo toàn thuế TNDN.
Ngoài ra, kế toán doanh nghiệp cũng nên lập một danh sách bảng tổng hợp những mặt hàng bán thấp hợp giá vốn và lập phương án giải trình cho phù hợp, nếu ko có căn cứ văn bản pháp luật nào để trình phù hợp sẽ bị ấn định thuế.
(Nguồn: einvoice.vn)